Giảng viên trẻ giành giải nhất cuộc thi Hùng biện nghiên cứu khoa học toàn cầu

Một giảng viên trẻ của trường ĐH tại Việt Nam đã vượt qua hàng trăm ứng viên ở nhiều quốc gia để giành giải nhất cuộc thi Hùng biện nghiên cứu khoa học toàn cầu.

Đó là thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hoài Vũ (32 tuổi), giảng viên Khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Văn Lang. Anh đã giành giải nhất cuộc thi Hùng biện nghiên cứu khoa học toàn cầu IGPRC 2022 do tổ chức InSPiR2eS Network (Úc) lần đầu tiên tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của nhiều thí sinh từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhà nghiên cứu khoa học cũng phải biết kỹ năng hùng biện

Thạc sĩ Hoài Vũ cho biết đây là cuộc thi dành cho các nhà nghiên cứu trẻ chưa trở thành tiến sĩ hoặc là tiến sĩ chưa đến 5 năm. “Cuộc thi tạo cơ hội cho bạn trẻ đam mê nghiên cứu rèn luyện khả năng hùng biện, giới thiệu ý tưởng, đề tài nghiên cứu một cách ngắn gọn nhất thông qua mẫu đề án nghiên cứu rút gọn được thiết kế bởi giáo sư Robert Faff; một mẫu đề án có thể được rút ngắn thành một đề tài nghiên cứu (tức rút gọn từ khoảng 20 – 40 trang xuống còn 1.000 từ)”, anh Vũ chia sẻ.

 

Thạc sĩ Hoài Vũ chia sẻ thêm: “Kỹ năng hùng biện là rất quan trọng đối với một nhà nghiên cứu. Lý do là những người nghiên cứu trẻ khi chưa có tiếng tăm, cũng chưa có nhiều đối tác nghiên cứu, nếu muốn trình bày ý tưởng thì ngắn gọn sẽ có nguy cơ không đủ, còn dài thì không ai bỏ thời gian ra đọc. Ngoài ra, kỹ năng này còn quan trọng đối với tôi trong việc trình bày ý tưởng nghiên cứu nhằm tìm giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ cho mình”.

Tại vòng chung kết, mỗi thí sinh phải trình bày trực tuyến qua ứng dụng Zoom trước hàng chục vị giám khảo. “Tôi vốn đã ấp ủ một đề án được một thời gian, nhưng điều khó nhất với tôi là rút gọn đề án từ 20 trang xuống còn 1.000 từ. Trước giờ, tôi có thói quen viết dài và cảm thấy viết dài thì rất dễ, tóm gọn lại sao mà khó. Chính vì thế, sau mấy vòng thi, tôi cảm thấy cuộc thi giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn thiện kỹ năng viết ngắn gọn, súc tích mà đầy đủ”, anh Vũ bày tỏ.

Được GS-TS Robert Faff, ĐH Bond (Úc) sáng lập, InSPiR2eS Network, đơn vị tổ chức cuộc thi, là một mạng lưới nghiên cứu trên toàn cầu nhằm mục đích đào tạo và nâng cao năng lực nghiên cứu của hơn 300 trường ĐH thành viên từ hơn 78 quốc gia.

Đại diện ban tổ chức cuộc thi từ Việt Nam là tiến sĩ Phan Hồng Đức, công tác tại ĐH RMIT, Melbourne, Úc (người sáng lập và điều hành tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Nhịp cầu tri thức, một thành viên của InSPiR2eS Network) và PGS-TS Bình Bùi từ ĐH Macquarie, Sydney, Úc.

Tiến sĩ Phan Hồng Đức cho biết cuộc thi diễn ra với 3 vòng thi. Vòng loại quốc gia Việt Nam có 74 nhóm nghiên cứu và 72 giám khảo là các nhà khoa học gốc Việt trên khắp thế giới. Vòng bán kết toàn cầu có 303 thí sinh là các nhà khoa học trẻ đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Việt Nam dẫn đầu về số lượng tham dự với 99 bài dự thi. Vòng chung kết xếp hạng gồm 6 thí sinh xuất sắc nhất được tuyển chọn từ vòng bán kết và được chấm bởi 8 giáo sư đầu ngành nổi tiếng ở nhiều quốc gia như Anh, Đức, Canada, Brazil…

Theo Thanhnien.vn

Releted Tags
Social Share

Leave a comment